Lưu Ngọc Huy: “Mơ ước một thế giới không còn tù nhân”

                    Lưu Ngọc Huy: “Mơ ước một thế giới không còn tù nhân”

Chương trình Hỗ Trợ Tù Nhân của Hội Phụ Nữ Việt Úc bắt đầu từ một hoạt động “tương thân tương ái”, nay đã trở thành một chương trình chuyên nghiệp chính quy do Bộ Tư Pháp tài trợ. Điều này ghi nhận sự đóng góp của Hội vào phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, không ít ý kiến trong cộng đồng người Việt vẫn cho rằng: “Tù ở Úc sướng như Thiên Đường, cần gì hỗ trợ, phải cho họ biết khổ thì họ mới thay đổi”.

Tù nhân Việt là ai? Vì sao họ vào tù? Họ cần hỗ trợ như thế nào? Bài viết này hy vọng làm sáng tỏ phần nào những câu hỏi ấy. Bên cạnh đó, bài viết cũng sẽ đề cập tới kỹ năng cũng như phẩm chất cần thiết của nhân viên làm chương trình Hỗ Trợ Tù Nhân, qua những chia sẻ cởi mở chân thành của anh Lưu Ngọc Huy.  Với 10 năm tận tâm phục vụ tù nhân và thân nhân của họ, hơn ai hết, anh Huy hiểu vì sao tù nhân gốc Việt ở Úc cần được giúp đỡ và nên được giúp đỡ bằng cách nào.

 

Hạnh Lan: Theo tôi biết, những người tù ở Úc, họ chỉ bị mất quyền tự do đi lại thôi, chứ họ vẫn có đầy đủ nhân quyền, được chăm sóc tốt cả về vật chất lẫn tinh thần, vậy thì họ cần gì từ phía cộng đồng?

Huy Lưu: Đầu tiên là họ cần thông tin. Trong tù báo chí tivi có hết, nhưng họ không thể đọc không thể xem vì tiếng Anh của họ chỉ ở mức trung bình hoặc không có. Ở tù đã bị trừng phạt vì cái tội mình phạm phải rồi, mà lại phải bị trừng phạt thêm về văn hóa, về ngôn ngữ, ngay cả về thức ăn nữa, thì Huy cho rằng, họ thực sự đáng thương hơn những tù nhân chính mạch.

Chương trình của Huy là hỗ trợ không chỉ tù nhân mà cả thân nhân của họ nữa. Đối với tù nhân thì thường là Huy tới nói chuyện với họ, an ủi, phổ biến cho họ những tin tức về những dịch vụ của hệ thống cải huấn Victoria. Những khi họ cảm thấy bị túng quẫn, không biết nên làm gì, thì Huy đưa ra những tin tức hướng dẫn để họ có những quyết định sáng suốt hơn. Đôi khi vì hiểu nhầm, có thể họ bị đối xử tệ bạc hơn các tù nhân khác chẳng hạn, thì Huy sẽ đại diện bênh vực cho họ. Hoặc nhiều khi tù nhân gốc Việt không biết rằng dù họ đang ở tù, nhân quyền và quyền công dân cũng phải được tôn trọng, nên họ không biết để đòi.

Đối với thân nhân của tù nhân, Huy cho rằng, chính họ mới thật sự là nạn nhân, bởi vì họ có thể không dính dáng tới chuyện phạm pháp, vậy mà họ phải là những người trực tiếp chịu đau khổ. Họ mất chồng, mất cha, mất con. Đặc biệt là rất nhiều người vợ, bà mẹ, khi nghe tin chồng họ hoặc con trai họ ở tù, là họ rất đau khổ, lo lắng. Nếu họ không nói chuyện được với một người hỗ trợ tù nhân như Huy, thì không biết được họ sẽ phải đau khổ tới mấy tháng trời. Họ không biết rằng, hệ thống cải huấn ở Úc rất nhân đạo, ở trong tù nhưng được chăm sóc đàng hoàng, được ăn uống đầy đủ.

 

Hạnh Lan: Xin anh nói rõ hơn về những công việc cụ thể mà nhờ anh người tù hoặc thân nhân của họ có được những thông tin hữu ích?

Huy Lưu: Những người được Huy giúp nhiều nhất là phạm nhân đang trong thời gian chờ án. Ví dụ, bên công tố đưa ra 10 tội, nếu họ tìm được những bằng chứng cho thấy họ vì hoàn cảnh mà phạm pháp, thì dĩ nhiên quan tòa sẽ phải xem xét những lý do đó mà giảm tội cho họ. Rất nhiều người nghĩ rằng họ cứ chạy tiền luật sư cho giỏi thì họ có thể biến tội lớn thành tội nhỏ, tội nhỏ thành vô tội, mặc dù tội của họ cũng không có đáng gì hết, hoặc là họ đủ tiêu chuẩn để dùng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí do chính phủ tài trợ. Trong hoàn cảnh bấn loạn, không thể suy nghĩ bình tĩnh được như một người ngoài cuộc, họ chỉ nghe được những gì họ muốn nghe thôi. Mà luật sư thì nói chuyện để ăn tiền, nên họ nói rất khéo, cuối cùng là nhiều khi tiền mất tật mang. Nếu sớm gặp được Huy, nghe những thông tin hướng dẫn trung lập và miễn phí, họ sẽ không bị lún sâu thêm vào chuyện nợ nần, đau khổ. Còn những người đã thành án rồi, mình có thể hướng dẫn cho họ biết làm thế nào để nếu như họ được ân xá có điều kiện thì họ sẽ được hưởng trong thời gian sớm nhất, hoặc là họ sắp ra mà không có thân nhân, chỗ ở, Huy có thể bày vẽ được cho họ, hướng dẫn hoặc giới thiệu họ tới những dịch vụ hỗ trợ khác.

Hạnh Lan: Điều gì là nguyên nhân chính đẩy họ vào tù, theo anh?

Huy Lưu: Lý do lớn nhất mà Huy có thể nhìn thấy, là cái khó, cái nghèo. Những du học sinh chẳng hạn, họ vừa phải đi làm kiếm tiền để trả nợ số tiền mượn để lo việc qua Úc, tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày của họ ở Úc, lại phải thêm tiền nuôi gia đình ở Việt Nam. Cái gánh nặng của những người đó nó lớn kinh khủng lắm. Những người sống ở Úc năm mười năm không thể tưởng tượng nổi hoàn cảnh của những du học sinh đó. Họ không thể nào làm khác được. Họ biết là chuyện phạm pháp, làm mà bị phát hiện, họ sẽ phải ngồi tù, nhưng họ cho rằng họ không có chọn lựa nào khác. Bởi nói thật nếu họ đi làm đàng hoàng như những người khác, thứ nhất, họ bị giới hạn chỉ được làm trong 20 tiếng một tuần; thứ hai, công việc mà họ được trả rất là rẻ mạt, và không phải lúc nào cũng có việc.

Hạnh Lan: Thế còn những tù nhân là công dân Úc gốc Việt thì sao?  

Huy Lưu: Họ chỉ chiếm khoảng ¼ đến ½ tổng số tù nhân nói tiếng Việt ở Úc thôi. Phần lớn họ là những người nghiện ngập. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, họ bắt buộc phải làm chuyện phạm pháp. Thường là họ bị tội buôn bán ma túy. Một số khác bắt nguồn từ chuyện đổ vỡ gia đình, tiềm ẩn của ác mộng vượt biển, sa cơ thất thế trên đất mới, v.v… họ bị hụt hẫng, không có hướng để mà đi nữa, rồi sa ngã vào chuyện nhậu nhẹt, cờ bạc, nợ nần, rồi vô tình bị đưa tới những hoàn cảnh, những hành động mà họ không làm cũng không được. Huy cho rằng họ đáng thương nhiều hơn là đáng trách.

Hạnh Lan: Làm công việc này, đôi khi anh có phải “chiến đấu” với những cám dỗ?

Huy Lưu: Cám dỗ thì rất là nhiều. Đồng tiền có thể làm mờ mắt bất cứ ai, nhưng Huy chỉ thích làm với đồng lương căn bản, rồi những chuyện mình làm mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, cho con người và xã hội, thì khi ấy mình mới thích làm. Nếu là một người ngay, mình sẽ phải giữ tấm lòng mình ngay trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu mình là người thiếu lập trường thì Huy cho là công việc của Huy rất dễ sa ngã. Ví dụ như, thay vì làm việc ăn lương của Hội, Huy cũng có thể nói riêng với tù nhân hoặc thân nhân của họ rằng Huy có thể giúp thêm được họ chuyện này chuyện nọ, thay vì 5 – 10 ngàn trả luật sư, họ có thể chỉ trả Huy 1 - 2 ngàn thôi chẳng hạn. Nhưng mà Huy tuyệt đối không làm chuyện đó, bởi vì ngoài tính cách chuyên nghiệp ra, Huy làm với cả tấm lòng.

Hạnh Lan: Để làm được công việc hỗ trợ tù nhân, theo anh, người ta cần phải có một phẩm chất đặc biệt nào đó không, và phẩm chất đặc biệt đó là gì?

Huy Lưu: Những người có thể làm việc trực tiếp với tù nhân cần phải có một ý chí khá vững vàng để không bị sa ngã, cũng như không bị những hoàn cảnh đau khổ của tù nhân làm cho tinh thần suy sụp. Đó là người phải biết lắng nghe, biết công là công, tư là tư, không có định kiến, thành kiến với bất kỳ ai. Nhiều anh em tù nhân cũng có hỏi Huy rằng, sau này khi hết án họ cũng muốn làm việc như Huy để giúp đỡ những tù nhân khác thì như thế nào, Huy nói: Cơ hội rất là cao. Nhưng muốn làm việc như Huy thì họ phải quay trở lại trường, để học những khóa có liên quan, rồi phải chịu chuyện kiểm tra lý lịch từ bên cảnh sát (nhưng không phải là mình có lý lịch đen rồi là mình không làm được việc này). Huy cũng nói với anh em một cách rất thẳng thắn rằng, dù Huy có cố gắng đến đâu, dù tận lòng cách mấy, cũng không thể hiểu họ như những người từng trải nghiệm tù tội. 

Hạnh Lan: Có khi nào anh mệt mỏi chán nản? Và anh đã làm gì để vượt qua?

Huy Lưu: Khi làm việc được khoảng ba tháng, có vài lần Huy chạy xe tới cửa nhà tù, rồi ngồi đó không muốn vào. Cảm giác chán chường, có phần thất vọng vì phải gặp lại những người tù cũ vừa được ra rồi lại phải vào tù. Huy tự suy xét lại chính bản thân mình, xem mình có đòi hỏi ở người ta quá đáng không. Làm việc với họ, mình phải đi theo bước đi của họ, chứ mong đợi ở người ta quá đáng thì là lỗi ở mình chứ không phải ở người ta. Có lúc có hoàn cảnh của tù nhân nào đó, làm cho mình đau lòng, nếu không vững mình có thể ngã liền. Có thể phải nghỉ bịnh nhiều ngày chứ không phải là có thể vực dậy trong vòng một vài ngày. Mình cũng có cách tự giúp mình xả những phiền muộn ưu tư, khi làm việc thì hết lòng, khi hết làm việc thì phải để cho cái tâm mình tĩnh lại, không vì những đau buồn phiền muộn từ công việc làm ảnh hưởng đến đời sống riêng.

Hạnh Lan: Chắc hẳn anh phải có niềm tin vô cùng mạnh mẽ vào công việc anh đang làm, anh có thể chia sẻ?

Huy Lưu: Mình mang nợ Úc đã nhận cộng đồng của mình tới, nếu mình giúp góp phần làm cho cộng đồng của mình hoàn hảo hơn tức là mình gián tiếp giúp cho nguyên cái cộng đồng Úc này tốt đẹp hơn. Chuyện đó Huy cho rằng rất có ý nghĩa. Thứ hai, dù làm việc nào đi nữa thì mình cũng có lương để trang trải cho cuộc sống gia đình, nhưng làm một việc mà mình có thể giúp được người khác xung quanh mình, thì chuyện đó có ý nghĩa rất là lớn, nó đáng giá hơn gấp trăm gấp ngàn lần đồng lương mình nhận. Đó là phần thưởng rất là to lớn đối với Huy.

Hạnh Lan: Anh có bình luận gì về suy nghĩ cho rằng: “Tù ở Úc sướng như Thiên Đường, cần gì hỗ trợ, phải cho họ biết khổ thì họ mới thay đổi”.

Huy Lưu: Tại vì văn hóa của người Việt mình từ xưa tới giờ cho rằng chuyện cải huấn là chuyện trừng phạt, khác hẳn với hệ thống luật pháp dựa trên nhân bản và nhân quyền ở Úc. Người Việt mình nên tìm hiểu thêm về nhân quyền, về hệ thống pháp lý ở Úc, về lối sống Úc, để mình có thể mở lòng ra, thông cảm hơn với những người tù. Nhiều cuộc nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng, nếu như hệ thống cải huấn chỉ là một công cụ để trừng phạt thì sẽ không có hiệu quả, mà chỉ bằng tình thương và giáo dục mới làm cho người ta thay đổi.

Nếu Úc thực sự là thiên đường cho những người tị nạn, cho những người di dân từ các xứ nghèo như Việt Nam mình, thì tù nhân ở xứ Thiên Đường này cũng được sướng hơn hẳn phạm nhân ở các xứ nghèo là chuyện tất yếu. Nhưng đã là tù nhân thì chẳng ai sướng cả.  Khi làm việc với tù nhân tại Úc, Huy  hiểu thêm được rất nhiều vấn đề có liên quan tới cách cư xử giữa con người với con người, giữa luật pháp với con người, cách suy nghĩ của Huy cũng thay đổi rất nhiều. Huy hy vọng rằng, với việc làm của Huy, của Hội, qua các phương tiện truyền thông, mình có thể giúp cộng đồng cởi mở hơn, thông cảm hơn với những người tứ cố vô thân, những người bị sa ngã, và hỗ trợ họ nhiều hơn, giúp họ thay đổi. Hỗ trợ tù nhân là cần thiết vì đó là nhân bản, nhân quyền.

Hệ thống cải huấn ở Úc cho rằng việc trừng phạt chỉ là một phần, còn phần kia là giáo dục. Nếu bỏ đi phần giáo dục thì có xây bao nhiêu tù cũng không đủ. Nếu mình chỉ chấp nhất mà không hỗ trợ họ thì khi họ ra khỏi tù, họ như lại phải bị ở tù bên ngoài, bởi những bức tường vô hình được dựng lên từ những người không thông cảm, không hỗ trợ họ. Thực ra thì tù nhân là ai? họ chính là những thân nhân ruột thịt của mình. Nếu gia đình nào đó có một đứa con hư, mình cứ mắng chửi nó, xua đuổi nó thì vô tình mình lại đẩy nó vào hố sâu hơn, chứ không bao giờ vực được nó dậy. Tù nhân cũng vậy, họ là những đứa con của xã hội. Xã hội có trách nhiệm trừng phạt nhưng cũng có trách nhiệm giúp đỡ.

Xã hội nào cũng có tệ nạn. Sống trong cùng một xã hội mình phải nâng đỡ nhau để hướng về một xã hội hoàn thiện. Nếu ai cũng có tấm lòng tốt như vậy thì xã hội sẽ tốt lên, một ngày nào đó, sẽ không còn tù nhân nữa. Mặc dù chuyện đó chỉ là ước mơ thôi, nhưng nếu mơ ước đó được nhiều người mong muốn thì hy vọng nó sẽ trở thành hiện thực.

Sau vài lần theo Hội Phụ Nữ Việt Úc vào thăm tù nhân dịp Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán, tôi đã rất ngạc nhiên, trông những tù nhân người Việt mới khỏe mạnh làm sao! Họ không khác gì những người ta gặp hàng ngày ngoài phố. Họ trồng rau, nấu những món ăn Việt. Họ ngồi cùng bàn ăn uống, vui vẻ trò chuyện với chúng tôi và những nhân viên trong tù. Dù vậy, ký ức trở đi trở lại trong tôi, khi nhớ về những gương mặt tù nhân, lại là cặp mắt đỏ quạch trên khuôn mặt xương gầy sầu khổ của một nam tù nhân trẻ. Em ngồi một mình, lặng lẽ khóc. Có điều gì khiến em quá buồn đến không thể tham gia vào bữa tiệc của tình đồng hương? Sau này tôi được biết, em là du học sinh. Cha em mới mất ở Việt Nam mà em đã không thể nào có mặt.

                                                                                                                Hạnh Lan

 

 

Image

Follow us